Ba lê (múa ballet) đối với mình bây giờ còn hơn cả đam mê, chính xác phải gọi ba lê là cuộc sống.
Cánh chim ngược gió
Trong vở ba lê kinh điển Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky, nàng Odette xinh đẹp, dù bị lời nguyền của lão phù thuỷ Von Rothbart phải biến thành thiên nga nhưng xung quanh cô luôn có những người bạn chân thành, và đặc biệt là tình yêu của chàng hoàng tử Siegfried đã giúp nàng trở lại thành người. Với chị Trần Thị Nguyệt Sương, con đường đến với ba lê không có nhiều người bạn đồng hành như thế. Năm 6 tuổi, chị bắt đầu học múa, ban đầu là múa cổ điển rồi từ cái duyên của mẹ, chị biết đến ba lê. “Mẹ mình học ở Nga, một trong những cái nôi của nghệ thuật múa ba lê. Mình được mẹ cho xem múa ba lê qua băng hình, được nghe mẹ kể về ba lê và được mẹ đưa sang Nga để xem ba lê trong những chuyến công tác, tình yêu dành cho ba lê của mình bắt đầu như thế”, chị kể.
Yêu ba lê, nhưng để tìm được một nơi học ba lê tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước là một chuyện không dễ dàng. Sau một thời gian học ở Trường Múa TP.HCM, chị Sương khăn gói ra Hà Nội để theo học Trường Múa Việt Nam, và cuối cùng là một quyết định táo bạo: thi vào Học viện Vũ đạo Bắc Kinh (Trung Quốc). “Đó là quyết định quan trọng nhất của đời mình. Giữa lúc bạn bè thi vào các ngành kinh tế, y khoa, sư phạm … mình như cánh chim ngược gió khi chọn theo ngành múa. Cũng có lúc mình băn khoăn, học múa rồi ra làm gì, liệu nghề múa có nuôi được bản thân? Gia đình cũng chia làm hai phe. Phe ủng hộ thì ít mà phe phản đối thì nhiều. Cuối cùng, mình đi theo tiếng gọi của con tim, trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất học múa tại Bắc Kinh ở thời điểm đó”, chị Sương nhớ lại.
Năm 2004, tốt nghiệp Học viện Vũ đạo Bắc Kinh, chị Sương trở về Việt Nam với một ước mơ: đưa ba lê đến gần hơn với mọi người.
Truyền lửa đam mê
Về Việt Nam, chị Sương nhanh chóng nhận ra, không có nhiều đất diễn cho các diễn viên múa ba lê bởi loại hình nghệ thuật này với công chúng còn nhiều xa lạ. Từ nền tảng đã được đào tạo về huấn luyện, chị bắt đầu tham gia giảng dạy tại trường Quốc tế Đài Bắc trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, như một cách “giữ lửa” cho nghiệp múa đã mang.
Năm 2007, chị mở Trung tâm nghệ thuật SaSa (SaSa Art Learning Center), đào tạo nhiều loại hình nghệ thuật. Đến năm 2011, chị quyết định chỉ tập trung đào tạo ba lê và Trường múa Sasa Ballet chính thức mang tên từ đó. “Những năm đầu chỉ có khoảng 20 – 30 bé theo học, rồi cứ thế tăng lên dần, giờ đã có hơn 200 em theo học múa ba lê tại trường. Những năm đầu, hầu hết là học sinh nước ngoài, giờ phần lớn học sinh tại trường là người Việt. Một kết quả đáng mừng. Vui hơn nữa là nhìn sang các trường, các trung tâm dạy múa khác, số lượng học sinh đến đăng ký học múa ba lê cũng tăng dần. Điều đó cho thấy ba lê đã được biết đến rộng rãi hơn, phổ biến hơn ở Việt Nam”, chị Sương tâm sự.
Hiện tại, Trường Sasa Ballet của chị Sương có 3 hình thức đào tạo: phổ thông – phổ cập ba lê dành cho các bé; tài năng – đào tạo chuyên sâu dành cho các bé có năng khiếu; người lớn – rèn luyện như một môn thể dục thể thao. “Ba lê được xem là một loại hình nghệ thuật hàn lâm của thế giới, chính xác là như thế. Để trở thành một vũ công ba lê thực thụ, đòi hỏi phải khổ luyện rất nhiều, thậm chí phải trải qua những đau đớn về thể chất mới thành công. Tuy nhiên, ít người biết rằng, ba lê cũng là nền tảng của các bộ môn múa khác. Thế nên, nếu bạn yêu thích múa, hãy bắt đầu từ ba lê”, chị Sương chia sẻ.
Tôi hỏi, ba lê mang lại lợi ích gì cho người học. Chị Sương tóm tắt trong ba từ: thể chất – tố chất và phẩm chất. Người học ba lê có vóc dáng cân đối, hài hoà, có sức khoẻ dẻo dai – đó là thể chất. Người học ba lê có tâm hồn yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống – đó là tố chất. Người học ba lê có ý chí vững vàng, kiên nhẫn, vượt khó, chấp nhận thử thách, đau đớn để hướng đến thành công – đó là phẩm chất.
Tôi hỏi, ba lê mang lại điều gì cho chị. Chị cười: “Ba lê đã mang đến cho mình một cuộc sống ý nghĩa hơn”.
TRƯỜNG MÚA SASA BALLET
Địa chỉ: C2 Star Hill, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM
Điện thoại: (84) 28 5411 2253
Email: info@sasaballet.com
Facebook: https://www.facebook.com/sasaballet/