TOP_BANNER

Phú Mỹ Hưng – Mái nhà chung của chúng tôi

Gắn bó với Phú Mỹ Hưng từ những ngày đầu hình thành cho đến khi trở thành một khu đô thị hiện đại, nhiều cư dân đã xem nơi đây như quê hương thứ hai, như mái nhà chung của mình. Nhân dịp 30 năm Ngày thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng, chúng tôi ghi nhận lại một số câu chuyện từ cư dân, qua đó thấy được tình cảm, sự gắn kết của cư dân dành cho khu đô thị.

Doanh nhân Dương Văn Beo – Chủ đầu tư Tòa nhà văn phòng cho thuê Phú Mã Dương

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh Dương Văn Beo diễn ra trên tầng thượng tòa nhà văn phòng Phú Mã Dương, nơi anh thiết kế một căn phòng nằm giữa một khu vườn nhỏ, xanh mát, để thỉnh thoảng đại diện công ty tiếp khách. Anh bảo, cũng từ góc nhìn này, anh đã chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của khu đô thị Phú Mỹ Hưng trong 20 năm qua.

Đầu những năm 2000, từ Bạc Liêu, anh Dương Văn Beo lên TP. HCM tìm cơ hội phát triển sự nghiệp. Dự tính chọn vùng đất Nam Sài Gòn để đầu tư nên anh Beo bắt đầu tìm hiểu những dự án ở khu vực này. Là người thận trọng, mỗi dự án anh đều nghiên cứu kỹ, từ thông tin về chủ đầu tư, pháp lý đến đi tham quan thực tế. Cuối cùng, anh chọn đầu tư vào dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Doanh nhân Dương Văn Beo trên sân thượng Toà nhà Phú Mã Dương, sau lưng là Toà nhà Phú Mỹ Hưng Tower

“Mình học quy hoạch, làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nên khi xem bản quy hoạch của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng mình rất thích. Đó là một quy hoạch bài bản, khoa học, mật độ xây dựng thấp, đầy đủ các phân khu chức năng cần thiết cho sự phát triển của một đô thị hiện đại trong tương lai. Tuy nhiên, yếu tố quyết định để mình đặt niềm tin vào Phú Mỹ Hưng chính là chủ đầu tư của dự án này.

Qua tìm hiểu, mình biết được chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng chính là chủ đầu tư tuyến đường Nguyễn Văn Linh, lúc đó đang xây dựng giai đoạn 2. Mình nghĩ rằng, một chủ đầu tư bỏ ra một số tiền không nhỏ để xây dựng đại lộ to lớn, với hàng chục cây cầu như vậy phải là một chủ đầu tư tâm huyết, có tầm nhìn và có tiềm lực về tài chính”, anh Beo kể.

Anh Beo nhớ lại, vào thời điểm đi tham quan thực tế, khoảng năm 2002, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản. Một số dự án đã được xây dựng và có cư dân về ở như Mỹ Cảnh, Mỹ An, Mỹ Hưng, Hưng Vượng … Một số công trình tiện ích đã được xây dựng như siêu thị Co.op Mart, Trường Nam Sài Gòn, bệnh viện FV …

“So với các tiểu khu khác thì khu Thương mại Tài chính Quốc tế lúc đó chưa có gì. Chỉ mới trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, nhìn trên mô hình, mình đánh giá cao tiềm năng của khu này. Nếu nhà đầu tư đảm bảo xây dựng đúng như quy hoạch, thì khu Thương mại Tài chính Quốc tế  và khu Hồ Bán Nguyệt sẽ là trung tâm của khu đô thị Phú Mỹ Hưng”. Từ suy nghĩ đó, anh Beo quyết định chọn lô đất C4-1 (bây giờ là tòa nhà văn phòng Phú Mã Dương), thuộc khu Thương mại Tài chính Quốc tế và nằm cách khu Hồ Bán Nguyệt một con đường, để đầu tư.

Mong muốn có người thân đồng hành, anh về Bạc Liêu kêu gọi anh em trong gia đình góp vốn đầu tư. Thuyết phục bằng lời nói, hình ảnh, tài liệu không ăn thua … anh đưa cả gia đình lên xe đi tham quan thực tế Phú Mỹ Hưng một chuyến. Trong chuyến đi ấy, anh như một nhân viên “sale” bất đắc dĩ, giới thiệu, thuyết trình với mọi người từng chút một về Phú Mỹ Hưng. Đây là Trường học, đây là bệnh viện đã xây, lô đất kia sẽ là trung tâm thương mại tài chính, lô đất này sẽ là trung tâm hội chợ triển lãm trong tương lai …

Có người tin tưởng, có người lắc đầu … cũng có người muốn đầu tư nhưng chưa đủ vốn, anh Beo đứng ra cho mượn luôn. Năm 2003, anh Beo cùng anh em trong gia đình ký hợp đồng chuyển nhượng, chính thức trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên ở Khu Thương mại Tài chính Quốc tế với tổng diện tích gần 1.000m2. Trong đó, anh Beo là cổ đông lớn nhất, góp 37% cổ phần.

Hiện trạng một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng năm 2005, khi anh Dương Văn Beo khởi công xây dựng Toà nhà Phú Mã Dương

Hoàn tất hợp đồng chưa lâu, chưa kịp hoàn thành các thủ tục pháp lý để xây dựng thì dự án Phú Mỹ Hưng lúc này gặp một số vướng mắc về chính sách, phải chờ tháo gỡ. “Do Phú Mỹ Hưng là dự án bất động sản đầu tiên có chủ đầu tư là liên doanh nước ngoài, nên hành lang pháp lý của mình chưa đầy đủ, phải từng bước tháo gỡ, hoàn thiện. Nên tiến độ dự án của mình có chậm lại đôi chút. Bản thân mình hiểu điều đó nên thông cảm cho nhà đầu tư, nhưng nhiều người góp vốn chung thì không nghĩ vậy, bắt đầu có lời ra tiếng vào… Có người nói mình dại, mình bị lừa, gom tiền anh em để mua mảnh đất trồng rau muống”, anh Beo bồi hồi nhớ lại.

Áp lực, khó khăn đến mức anh Beo nghĩ đến chuyện bỏ tất cả sang nước ngoài định cư. May sao lúc ấy người vợ đã khuyên anh nên ở lại, để thực hiện bằng được dự án, để chứng minh mình không lựa chọn sai, không lừa gạt ai.

Khi những vướng mắc được tháo gỡ, tháng 5/2005, anh Beo khởi công xây dựng cụm tòa nhà Phú Mã Dương. Năm 2008, tòa nhà được đưa vào khai thác kinh doanh, và chỉ 6 năm sau, năm 2014, anh Beo thu hồi vốn. “Quá nhanh so với dự tính của mình. Ngay từ lúc quyết định đầu tư vào Phú Mỹ Hưng, mình luôn tin rằng Phú Mỹ Hưng sẽ phát triển, nhưng nghĩ đó là chuyện của tương lai, 20 – 30 năm nữa. Vậy mà không ngờ, chưa được 10 năm đã thu hồi vốn”, anh Beo kể lại.

Dự kiến ban đầu của anh khi đầu tư vào Phú Mỹ Hưng chỉ mong thu nhập khoảng 50 triệu đồng một tháng, vậy mà ở thời điểm năm 2009, với 6% cổ phần, mỗi tháng đã được chia lợi nhuận 5.000 đô la (khoảng 85 triệu đồng). Nói về sự thành công khi đầu tư vào Phú Mỹ Hưng, anh Beo đưa ra một so sánh thú vị: “Năm 2003, khi đầu tư vào Phú Mỹ Hưng, tôi đã bán căn nhà của mình ở trung tâm thành phố Bạc Liêu. Giá bán một mét vuông nhà lúc đó ở Bạc Liêu, tôi mua được 10 mét vuông đất ở Phú Mỹ Hưng. Sau 20 năm, giá trị đất của hai nơi đều tăng, nhưng với một mét vuông đất của tôi ở Phú Mỹ Hưng lúc này, có thể mua lại được 20 mét vuông đất ở Bạc Liêu, ngay vị trí căn nhà của tôi lúc trước”.

Anh Beo đánh giá, thành công trong đầu tư của anh có sự hậu thuẫn rất lớn từ chủ đầu tư là Công ty Phú Mỹ Hưng. Sự phát triển mạnh mẽ, đúng cam kết, đúng quy hoạch của Phú Mỹ Hưng đã làm cho các nhà đầu tư như anh được hưởng lợi trực tiếp. Cuối năm 2005, khi đang đổ sàn tầng 4 tòa nhà Phú Mã Dương, đang trực tiếp chỉ huy công trình, nhìn về phía rạch Thầy Tiêu, thấy một chiếc sà lan chở cần cẩu tiến vào, anh lập tức chạy xuống dò hỏi thông tin. Biết được chủ đầu tư chuẩn bị khởi công xây dựng khu Hồ Bán Nguyệt, anh mừng rơi nước mắt. Đêm đó, anh mất ngủ.

“Tôi biết mình đã đặt niềm tin đúng chỗ. Rồi từ đó, cứ mỗi công trình của Phú Mỹ Hưng được xây dựng, giá trị dự án của mình lại được nâng lên. Giá trị đó cũng đến từ cách vận hành, quản lý của Phú Mỹ Hưng, để có được một khu đô thị hiện đại, văn minh, chất lượng sống tốt. Gần đây nhất, khi Phú Mỹ Hưng khánh thành tòa nhà Phú Mỹ Hưng Tower, cách tòa nhà Phú Mã Dương 1 ngã tư, chúng tôi cũng được “ăn theo” đôi chút …”, anh Beo cho biết.

Nhìn lại câu chuyện đầu tư vào Phú Mỹ Hưng của mình, điều anh Beo hài lòng nhất là đã mang lại cuộc sống tốt đẹp cho những người thân thuộc. Hầu hết anh em trong gia đình của anh Beo hiện tại đều là cư dân của Phú Mỹ Hưng, có cuộc sống an cư, lạc nghiệp trong chính khu đô thị này.

Tình cảm dành cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cho ông Lawrence S. Ting (cố chủ tịch Tập đoàn Phú Mỹ Hưng Asia Holdings), được anh Beo đưa vào những ca khúc do chính anh sáng tác. Trong đó, anh thích nhất là bài Hoài niệm, bởi anh bảo: “Giống như ông Ting, mình đặt trọn tình yêu và gắn kết với khu đô thị này, xin nhận nơi này làm quê hương!”.

Gia đình chị Hồ Thị Hồng Yến và anh Đinh Hoàng Giang (Cư dân khu phố Sky Garden 3)

Như thường lệ, mỗi chiều cuối tuần, thưởng thức trà ở ban công và ngắm cảnh là “khung trời riêng” của  vợ chồng chị Hồng Yến – anh Hoàng Giang. Thấm thoát mà gia đình anh chị đã “định cư” tại khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng hơn 20 năm rồi.

Chị Yến không thể nào quên được cảm xúc lần đầu tiên đến Khu đô thị mà khi đó chỉ mới có lác đác vài tòa nhà và nhiều bạn bè đã khuyên nhủ : “Sao lại chọn thành phố trong mơ để cư trú vậy? Thành phố trong mơ là chỉ có trong giấc mơ thôi đấy”! Nhưng vợ chồng chị đặt cược niềm tin vào tầm nhìn của nhà đầu tư vì bị thuyết phục bởi quy hoạch quá bài bản, chú trọng đến môi trường sống xanh – sạch cho cư dân, một quy hoạch khu đô thị chưa từng có tại Việt Nam trước đó. Đến hôm nay, vợ chồng chị có thể khẳng định  một điều : “Niềm tin chúng tôi đã đặt vào đúng người và đúng chỗ”.

Một buổi tối thư giãn bên Hồ Bán Nguyệt của anh Hoàng Giang và chị Hồng Yến

“Phú Mỹ Hưng luôn là nơi gia đình chúng tôi dù có đi chơi đâu xa, cũng mong quay về cái tổ ấm áp của mình (trước kia là khu Hưng Vượng, giờ tổ ấm chúng tôi ở Sky Garden 3). Khu đô thị PMH đối với chúng tôi, đầy ắp kỷ niệm. Chúng tôi đã chứng kiến chủ đầu tư từng bước cung cấp các dịch vụ tiện ích cho cư dân như xây trường học, trung tâm mua sắm, làm Cầu Ánh Sao, công viên,… và chính nơi đây đã chứng kiến sự trưởng thành từng bước của các con tôi. Nhớ hôm nào cậu cả Đinh Ngọc Thiện còn là cậu bé chập chững biết đi cứ đòi mẹ dắt vòng vòng trong khuôn viên khu phố, thấm thoát đã trở thành học sinh trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông của Trường Đinh Thiện Lý. Tốt nghiệp đại học năm ngoái, Ngọc Thiện hiện là nhân viên của công ty chuyên về cáp điện ngầm. Nối gót anh trai, cô em gái Hồng Lam hiện đang là học sinh lớp 11 của Trường Đinh Thiện Lý. Còn bé út, tuy mới lớp 4, nhưng chắc chắn cũng sẽ theo truyền thống của anh chị, tiếp bước để trở thành học sinh của ngôi trường đầy tự hào Đinh Thiện Lý này.

Cả gia đình chị Yến luôn cảm thấy “ở đây, mọi dịch vụ đều phục vụ tận cửa. Chỉ cần bước ra khỏi chung cư mấy bước, dịch vụ gì cũng có. Vậy bạn còn mong gì hơn?” Như Anh Hoàng Giang vẫn thường nhắn nhủ các con mình: “Khi biết đủ, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với những gì mình có. Nhưng theo như bố thấy, những gì chúng ta tận hưởng từ các dịch vụ xung quanh nơi mình ở nơi đây là hơn cả đủ, thậm chí có thể gói gọn trong 2 chữ “Tuyệt vời”.

Chú Nguyễn Văn Tấn – Cư dân khu Nam Long 3

Trong các số trước của Tập san Phú Mỹ Hưng, chúng tôi đã giới thiệu những bài thơ về cuộc sống, về cảnh quan của khu đô thị. Tác giả thường xuyên của những bài thơ ấy là chú Nguyễn Văn Tấn, một cư dân đã gắn bó với Phú Mỹ Hưng hơn 20 năm qua.

Không gian sống của khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nguồn cảm hứng thơ ca to lớn của chú Tấn

Hiện tại, chú Tấn đã sáng tác hơn 20 bài thơ về Phú Mỹ Hưng. Với chú Tấn, hành trình vươn mình từ đầm lầy trở thành một khu đô thị hiện đại của Phú Mỹ Hưng mà chú đã chứng kiến, là nguồn cảm hứng thơ ca to lớn.

Chú Tấn kể, chú có duyên với Phú Mỹ Hưng khi đô thị này còn là một dự án trên giấy. Những năm 1990, chú biết thông tin có một nhà đầu tư nước ngoài đang liên doanh với Việt Nam để thực hiện các dự án kinh tế trọng điểm như khu chế xuất, tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Rồi thông qua một người bạn, chú Tấn biết được liên doanh này cũng đang triển khai xây dựng một khu đô thị ở phía Nam Thành phố. Dưới góc nhìn cá nhân, chú đánh giá những dự án kinh tế trọng điểm như trên là rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới.

Năm 2000, trong một lần chạy xe tham quan đường Nguyễn Văn Linh, thấy phòng kinh doanh Phú Mỹ Hưng tổ chức lễ mở bán sản phẩm, chú Tấn ghé vào tìm hiểu. Vốn đã có cảm tình ban đầu với chủ đầu tư nên khi biết thêm những thông tin về quy mô, quy hoạch của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chú Tấn càng thêm ấn tượng. Năm đó, chú quyết định đầu tư vào dự án đất nền Nam Long 3, diện tích 126 mét vuông.

“Lúc đó, dự án còn đang san lấp. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi tôi bỏ tiền “mua đất trên giấy”. Nhưng tôi có niềm tin đặc biệt với chủ đầu tư của khu đô thị này, bởi thấy được sự nghiêm túc, uy tín và tầm nhìn của họ trong các dự án trước đó”, chú Tấn chia sẻ.

Một năm sau đó, chú Tấn trở thành những cư dân đầu tiên ở Phú Mỹ Hưng được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2006, trên mảnh đất ấy, chú Tấn đã xây dựng cho mình căn nhà đầu tiên của Phú Mỹ Hưng. Đến năm 2016, chú Tấn mua thêm một căn hộ ở khu Midtown, dành cho con cái mai này về chung sống.

Chú Nguyễn Văn Tấn, thứ 2 từ phải sang, là một trong những cư dân Phú Mỹ Hưng đầu tiên được trao Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất

Gắn bó với Phú Mỹ Hưng, chú Tấn cũng dành nhiều tình cảm đối với ông Lawrence S. Ting, cố chủ tịch tập đoàn Phú Mỹ Hưng Asia Holdings, người đã dành nhiều tâm sức để thực hiện các dự án như Khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị Phú Mỹ Hưng. “Tôi rất ấn tượng với hình ảnh ông Ting giản dị, ngồi trên xuồng ba lá đi khảo sát thực tế. Chính từ những chuyến đi như thế mà khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được nên hình, nên vóc. Cảm tác từ hình ảnh đó, tôi đã viết mấy câu thơ:

Trên chiếc thuyền con vững chãi ngồi

Dáng người cương nghị lẫn vui tươi

Người đi khảo sát tìm vận hội

Xây dựng nơi đây một cơ đồ.

Cùng với những cư dân đầu tiên khác, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay của khu đô thị Phú Mỹ Hưng qua từng ngày, từ một vùng đầm lầy trở thành một khu đô thị hiện đại. Những tiện ích như bệnh viện, trường học, siêu thị được xây dựng, ngân hàng, cao ốc văn phòng… xuất hiện, cuộc sống của cư dân ngày càng tiện lợi, chất lượng hơn, nhịp sống của khu đô thị cũng sôi động hơn.

Tuy nhiên, điều tôi thích nhất là dù phát triển mạnh mẽ, hiện đại đến đâu, Phú Mỹ Hưng vẫn giữ được một không gian sống xanh, theo đúng như quy hoạch ban đầu. Đó là những chất thơ mà tôi thấy được ở khu đô thị này. Tôi chọn cách đưa Phú Mỹ Hưng vào thơ, vừa là niềm vui thi ca, vừa để nhiều người hiểu thêm về câu chuyện, về những vẻ đẹp nơi đây” – chú Tấn cho biết.

Bài và ảnh: Kim Luyến – Thanh Toàn

kết nối

0FansLike
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

tin mới