Hiện nay, môn lặn bao gồm lặn tự do (free dive) hay lặn có bình khí (scuba dive) đang là khuynh hướng tập luyện mới trong cư dân phú mỹ hưng – vốn là những người đã chơi” gần như tất cả mọi loại thử thách như thi đấu ba môn bơi, đạp, chạy; ironman hay oceanman…
Chị Trương Ánh Tuyết – cư dân khu phố Sky Garden – vận động viên môn Free Dive
Nói như cư dân Trương Ánh Tuyết, một phụ nữ tuổi ngoài 30 và đã bắt đầu đến với môn lặn được vài năm, thì: “tôi bơi trên mặt biển hoài mà không hiểu bên dưới có gì, nhất là nỗi sợ không biết có cái gì dưới đó và cách tốt nhất để giải quyết nỗi sợ đó là… giáp mặt với nó, nên tôi lặn xuống…”.
Dù đều gọi chung là lặn và cùng đi sâu xuống biển, nhưng hai môn Free Dive và Scuba Dive này khác nhau hoàn toàn về kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thở, điều cốt yếu nhất của môn lặn, chị Tuyết giải thích.
Free Dive dựa chủ yếu vào kỹ thuật giữ hơi (breathhold). Ta chỉ có một lần thở cho cả phiên lặn, nên một buổi lặn tự do thường có nhiều phiên lặn, mỗi phiên chỉ kéo dài khoảng một vài phút. Trong khi đó lặn với bình dưỡng khí, bạn mang bình khí và được cung cấp khí để thở nên có thể hít thở thoải mái như ở trên cạn. Do đó, buổi lặn Scuba Dive chỉ gồm một phiên lặn kéo dài vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ.
Chị Tuyết say sưa nói về cảm giác kỳ diệu khi lặn sâu xuống lòng đại dương trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, tưởng như rơi vào một vùng không trọng lực, có thể chúi đầu đi xuống, nằm ngang dọc theo những dãy san hô, xoay người theo mọi phương hướng… Ta cảm nhận cảm giác tự do tuyệt đối khác hẳn với thế giới trên cạn. Rồi những vầng ánh sáng kỳ diệu lung linh, những run sợ hồi hộp trước những vùng tối kỳ bí của những vỉa đá, của rạn san hô… rồi một thế giới tung tăng của các đàn cá, của những sinh vật biển đang sống một cuộc đời giữa lòng biển khơi… Chị cảm nhận một tâmtrạng thật sự được giải tỏa. Mọi ưu phiền, lo toan, stress của trần gian gần như biến mất trong lòng đại dương…
Chị thừa nhận, đây là một môn chơi có nhiều rủi ro, điển hình là chứng giảm áp đột ngột (decompression illness)khi nổi lên quá nhanh, bao gồm cả chứng bọt khí ni-tơ trong máu và mô hoặc chấn thương phổi. Tuy nhiên những rủi ro này có thể giảm thiểu khi chúng ta tham gia các lớp học có huấn luyện viên, những người có chứng chỉ chuyên nghiệp của các hiệp hội lặn quốc tế như PADI hay SSI. Và trên hết là tính kỷ luật, tuân thủ các hướngdẫn an toàn, các bài tập kỹ thuật tình huống.
Ngoài ra, đi vào lòng biển sâu luôn có nhiều bất trắc khó lường, Free Dive còn có rủi ro Blackout in shallow water” (ngất khi lên gần mặt nước), nên lúc nào cũng phảilặn với một bạn lặn có kinh nghiệm để cùng hỗ trợ cho nhau. Nhưng, tất cả những rủi ro đó đều trong tầm kiểmsoát và chúng cũng đáng giá để có những trải nghiệm tuyệt vời trên. Do đó, chị Tuyết vẫn luôn yêu thích môn lặn của mình. Chị đã đi lặn khắp nơi dọc theo bờ biển Việt Nam: Thổ Chu, Nam Du, Cù Lao Xanh (Bình Định), Lý Sơn (Cổng Tò Vò), Vĩnh Hy, Vân Phong…
Anh Nguyễn Hồng Sơn – cư dân khu phố Panorama – vận động viên môn Scuba Dive
Còn anh với Nguyễn Hồng Sơn, 46 tuổi, một nhà tư vấn, cư dân của khu Panorama chuyên chơi môn Scuba Diving, thì giải thích chi tiết: chơi Scuba Dive có 2 dạng: try dive và fun dive.
Try dive: dành cho người chưa có bằng. Người lặn sẽ được huấn luyện viên (HLV) hướng dẫn chi tiết: cách mặc đồ lặn, cách dùng miệng để thở dưới nước, cách di chuyển, cách ra dấu hiệu trong môi trường nước… Người lặn sẽ luôn luôn có HLV đi cùng.
Còn Fun dive: dành cho người đã có bằng lặn. Người lặn tự chuẩn bị đồ lặn (thường là thuê của trung tâm lặn), tự xuống nước và di chuyển tự do dưới sự giám sát của HLV.
Dù lặn theo loại nào thì điều kiện cần là: biết bơi cơ bản, biết cân bằng áp suất khi lặn, tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu của HLV.
Trước câu hỏi đã từng đi lặn ở những vùng biển nào? Mỗi vùng biển ấy có gì khác nhau? Đặc tính riêng của từng đáy biển… Anh Sơn cho biết: Nha Trang được cho là “thiên đường lặn biển” tại Việt Nam với nhiều điểm lặn gần bờ và hệ động thực vật phong phú. Anh đã đi lặn ở đây hơn hai mươi lần. Tuy nhiên số lượng cá/sinh vật biển/san hô ngày càng giảm sút. Một số nguyên nhân có thể là nạn đánh bắt cá trái phép trong khu bảo tồn biển, ô nhiễm môi trường, đánh bắt kiểu tận diệt (dùng thuốc nổ, hóa chất, lưới giã cào).
Việc lặn ở đảo Phú Quý có tính hấp dẫn bởi sự hiện diện của xác tàu đắm ở độ sâu 20m nhưng số lượng loài cá ít hơn Nha Trang. Anh đã lặn ở đây ba lần.
Ở đảo Phú Quốc, tuy nổi tiếng có bò biển (dugong) sinh sống, nhưng chưa nghe diver nào nói đã gặp dugong khi đi lặn ở Phú Quốc. Ở đây, dưới đáy biển có các dòng nước nóng và lạnh.
Anh Sơn đưa ra lời khuyên đối với người muốn tham gia môn này: có rất nhiều trung tâm dạy lặn tại Việt Nam, tập trung ở Nha Trang, mỗi trungtâm sẽ dạy và cấp chứng chỉ, bằng lặn cho học viên. Có 3 bằng lặn phổ biến là SSI, PADI và NDLcủa 3 hiệp hội lặn quốc tế nổi tiếng. Các trung tâm lặn ở Việt Nam đều gắn với một trong 3 hiệp hội nói trên.
Có thể kể các trung tâm lặn ở Nha Trang như sau: Angel Dive Vietnam, Rainbow Dive, Sailing Club Dive…
Ở TP.HCM cũng có các trung tâm lặn, tập trung ở quận 2 như: Viet Divers, Rumblefish, SSI Diving…
Người mới bắt đầu sẽ học khóa “Open water diving”, chi phí khoảng 7-8 triệu. Sau khoảng 10-15 lần lặn, người lặn có thể học tiếp chứng chỉ “Advanced diving”. Chi phí cũng tương tự.
Chi phí cho 1 ngày đi lặn bao gồm chi phí di chuyển, thuê dụng cụ lặn (áo phao, bình khí, mặt nạ, chân vịt…) dao động từ 1-2 triệu tùy vào độ khó, cự ly di chuyển.
Qua kinh nghiệm nhiều lần lặn biển, anh Sơn cũng cảm thấy lo âu vì môi trường biển và đáy biển hiện khá xuống cấp do nạn khai thác tận diệt đã tàn phá môi trường biển Việt Nam, ý thức bảo vệ môi trường thấp, công tác quản lý còn lỏng lẻo.